
Dạy trẻ về nghệ thuật kể chuyện
“Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng đất nọ…”
Chúng ta đều lớn lên trong những lời kể chuyện như vậy từ ông bà, cha mẹ. Đến khi trưởng thành và lập gia đình, bạn chắc hẳn cũng muốn dành thời gian kể chuyện cùng con. Kể chuyện vẫn luôn là một phương thức tuyệt vời để truyền tải những thông điệp ý nghĩa, những bài học và truyền thống quê hương. Đối với trẻ nhỏ, đọc sách và kể chuyện sẽ giúp phát triển não bộ và trí tưởng tượng, ngôn ngữ và cảm xúc, đồng thời gắn kết mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, kể chuyện còn hình thành trong trẻ sự thấu cảm và thúc đẩy các kỹ năng giao tiếp xã hội. Sau đây những phương pháp để dạy trẻ về nghệ thuật kể chuyện cha mẹ nào cũng nên thử!
Chơi trò chơi kể chuyện
Mục lục
Chúng ta đều biết trẻ nhỏ thích chơi các trò chơi vui nhộn và trò kể chuyện không chỉ tăng cường tương tác mà con xây dựng sự sáng tạo và tiềm năng nghệ thuật cho trẻ. Một ví dụ cụ thể đó là trò chơi “Tiếp lời kể chuyện”. Rất đơn giản, bạn sẽ bắt đầu câu chuyện bằng một câu, sau đó các thành viên trong gia đình bao gồm trẻ sẽ thay phiên nhau nối tiếp câu cho đến khi cả câu chuyện được hình thành. Đây chắn chắn sẽ là một trò chơi bổ ích để bạn cùng trẻ sáng tạo ra những câu chuyện thú vị. Ngoài ra, trò chơi này cũng hiệu quả nếu bạn muốn dạy trẻ diễn giải câu chuyện bằng tiếng Anh. Hãy thử sử dụng bộ flashcards với các mẫu câu có sẵn để cùng lên ý tưởng trò chơi nhé.

Thiết lập giờ đọc sách
Một người kể chuyện giỏi là người đọc sách hay, vì vậy việc thiết lập giờ đọc sách cho trẻ tại nhà là vô cùng quan trọng. Đọc sách cùng trẻ không chỉ giúp hình thành kỹ năng đọc và kể chuyện mà còn nuôi dưỡng tình yêu với những câu chuyện khi trẻ lớn lên. Khi nghe cha mẹ mô tả các đoạn truyện, trẻ sẽ được kích thích trí tưởng tượng và tập bắt chước theo cách diễn đạt đó. Cha mẹ cần duy trì giờ đọc sách mỗi ngày để trẻ có thể làm quen với môi trường kể chuyện. Bạn có thể chọn truyện cổ tích, đặc biệt là khi trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ mới như tiếng Anh, các hình ảnh và màu sắc sẽ giúp trẻ dễ hiểu và ghi nhớ lâu hơn. Sau đó, bạn có thể tập cùng trẻ đọc các nội dung như truyện lịch sử, truyện về các nhà khoa học để bổ sung các kiến thức đa dạng.

Hướng dẫn trẻ tự kể chuyện
Thay vì cha mẹ, đôi khi bạn có thể để trẻ là người dẫn dắt giờ kể chuyện. Không nhất thiết phải bắt đầu bằng một cuốn sách, bạn hãy hỏi trẻ những câu hỏi về một ngày đi học, những tình huống tại trường lớp. Sau đó, bạn có thể để trẻ tự lựa chọn một cuốn sách mà trẻ yêu thích, Kể lại cho cha mẹ và hỏi trẻ về các nhân vật cũng như ý nghĩa. Việc hỏi và để trẻ trả lời là rất quan trọng, giúp trẻ hình thành kỹ năng phân tích, đánh giá vấn đề. Bên cạnh đó, một cuộc thi kể chuyện tại nhà hay việc tặng những món quà nhỏ để khen thưởng sau khi trẻ kể xong câu chuyện cũng sẽ giúp trẻ thêm phần hứng thú.

Để trẻ tập đóng vai
Nghệ thuật kể chuyện thành công không chỉ là câu chữ mà còn nằm ở hành động. Tại sao cha mẹ không thử cùng con tập diễn xuất theo câu chuyện? Hoạt động này sẽ thêm thú vị nếu có sự tham gia của các thành viên khác trong gia đình. Khi được đóng vai, trẻ sẽ càng thêm hứng thú với câu chuyện. Trẻ có thể tự sáng tạo lối diễn xuất theo trí tưởng tượng, từ đó, kết nối sâu sắc hơn với các nhân vật và thông điệp mà câu chuyện mang đến. Đóng vai cũng giúp trẻ ghi nhớ các tình tiết và lời thoại của câu chuyện, đây sẽ là phương pháp hữu hiệu để phát triển vốn từ vựng và biểu cảm của trẻ.
Kể câu chuyện của chính bạn
Nghệ thuật kể chuyện truyền cảm hứng nhất chính là bắt đầu từ chính câu chuyện của cá nhân. Cha mẹ hãy thử kể cho trẻ những câu chuyện về các trải nghiệm bản thân trong quá khứ như thời thơ ấu cùng ông bà, những ngôi làng cổ, các tập tục văn hóa mà hiện tại không còn được duy trì. Những câu chuyện này đều gắn với kỷ niệm hay một mốc thời gian quan trọng, ý nghĩa với cuộc đời bạn. Khi trẻ hiểu được điều đó, trẻ sẽ càng thêm gắn kết với gia đình, trân trọng những giá trị xã hội và nuôi dưỡng sự thấu cảm.
Khi dạy con về nghệ thuật kể chuyện, cha mẹ cũng có thể đồng thời thúc đẩy toàn diện các kỹ năng xã hội và học thuật. Từ kể chuyện, khi trẻ lớn hơn và bắt đầu đi học, bạn hãy giúp trẻ phát triển kỹ năng viết bằng cách tự sáng tạo những câu chuyện của chính mình. Bên cạnh giờ đọc sách, bạn có thể lên kế hoạch về giờ viết truyện, để cùng trẻ sáng tác ra những câu chuyện ngắn từ trí tưởng tượng của trẻ. Đây là một phương pháp hữu ích giúp làm sinh động vốn từ và rèn luyện kỹ năng viết câu, tạo tiền đề khi trẻ bước vào các bậc học cao hơn sau này.
KIDDIHUB là gì?
KiddiHub là nền tảng review và chọn trường mầm non số 1 Việt Nam.
KiddiHub cung cấp công cụ tìm kiếm, đánh giá, xếp hạng trường mầm non theo từng khu vực, mức học phí, phân hệ trường, cơ sở vật chất và dịch vụ
#timtruongmamnon: https://kiddihub.com
#themtruong: Thêm trường Đưa trường lên KiddiHub, tuyển sinh hiệu quả: Thêm Trường Đồ chơi giáo dục sớm tại KiddiHub Store: Mua ngay